HỎI THƯA GIÁO LÝ BÀI 50 – NHÂN ĐỨC
PHẦN III – Đời Sống Trong Đức Kitô
BÀI 50 – NHÂN ĐỨC
“Thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý”. (Pl 4,8).
398/ H. Nhân đức là gì?
T. Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và bền vững để làm điều thiện. [377]
399/ H. Có mấy thứ nhân đức?
T. Có hai thứ nhân đức:
- Một là nhân đức nhân bản;
- Hai là nhân đức đối thần. [377]
400/ H. Nhân đức nhân bản là gì?
T. Nhân đức nhân bản là nhân đức giúp con người điều chỉnh các hành vi, điều tiết các đam mê, hướng dẫn nếp sống của mình cho phù hợp với lý trí và đức tin. [378]
401/ H. Có mấy nhân đức nhân bản?
T. Có nhiều nhân đức nhân bản, trong đó có bốn nhân đức chính là khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ. [379]
402/ H. Đức khôn ngoan là gì?
T. Đức khôn ngoan là nhân đức giúp chúng ta nhận ra việc tốt cần làm và biết dùng những phương tiện chính đáng để làm việc tốt ấy. [380]
403/ H. Đức công bằng là gì?
T. Đức công bằng là nhân đức giúp chúng ta trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài và trả cho người khác những gì thuộc về họ. [381]
404/ H. Đức can đảm là gì?
T. Đức can đảm là nhân đức giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện, dù gặp nhiều khó khăn hay thử thách. [382]
405/ H. Đức tiết độ là gì?
T. Đức tiết độ là nhân đức giúp chúng ta kiềm chế sức lôi cuốn của những thú vui, làm chủ bản năng và sử dụng chừng mực những của cải đời này. [383]
406/ H. Có kinh nguyện nào giúp chúng ta dễ nhớ để luyện tập các nhân đức không?
T. Có kinh nguyện “Cải tội bảy mối có bảy đức”:
- Thứ nhất: khiêm nhường chớ kiêu ngạo;
- Thứ hai: rộng rãi chớ hà tiện;
- Thứ ba: giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục;
- Thứ bốn: hay nhịn chớ hờn giận;
- Thứ năm: kiêng bớt chớ mê ăn uống;
- Thứ sáu: yêu người chớ ghen ghét;
- Thứ bảy: siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng. [GLHTCG 1866]
407/ H. Nhân đức đối thần là gì?
T. Nhân đức đối thần là nhân đức siêu nhiên mà Thiên Chúa ban cho người Kitô hữu, để giúp họ trực tiếp đến với Thiên Chúa, hành động như con cái Thiên Chúa và đáng hưởng sự sống đời đời. [384]
408/ H. Có mấy nhân đức đối thần?
T. Có ba nhân đức đối thần là đức tin, đức cậy và đức mến. [385]
409/ H. Đức tin là gì?
T. Đức tin là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã mạc khải và Hội Thánh truyền dạy, vì Thiên Chúa chính là Chân lý. [386]
410/ H. Đức cậy là gì?
T. Đức cậy là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, mà vững lòng mong đợi hạnh phúc Nước Trời. [387]
411/ H. Đức mến là gì?
T. Đức mến là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì Chúa, mà yêu thương mọi người. [388]
412/ H. Ơn Chúa Thánh Thần là gì?
T. Ơn Chúa Thánh Thần là những xu hướng thường xuyên, giúp chúng ta dễ dàng tuân theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. [389]
413/ H. Có mấy Ơn Chúa Thánh Thần?
T. Có bảy ơn Chúa Thánh Thần:
- Một là ơn khôn ngoan;
- Hai là ơn hiểu biết;
- Ba là ơn thông minh;
- Bốn là ơn biết lo liệu;
- Năm là ơn sức mạnh;
- Sáu là ơn đạo đức;
- Bảy là ơn kính sợ Thiên Chúa. [389]
414/ H. Hoa trái của Chúa Thánh Thần là gì?
T. Hoa trái của Chúa Thánh Thần là những điều tốt lành mà chúng ta có được nhờ ơn Chúa Thánh Thần. [390]
415/ H. Có bao nhiêu hoa trái của Chúa Thánh Thần?
T. Theo truyền thống của Hội Thánh, có mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần, là bác ái, hoan lạc và bình an; kiên nhẫn, quảng đại và nhân từ; từ tâm, khoan dung và trung tín; khiêm nhu, tiết độ và khiết tịnh. (x. Gl 5,22-23). [390]